Trang chủ > Branding-PR > PR và những lầm tưởng của người sính chữ

PR và những lầm tưởng của người sính chữ


Banhbeo’s blog – Nở rộ tại Việt Nam trong những năm gần đây, PR trở thành một trào lưu đến nỗi nhiều công ty cảm thấy lạc hậu nếu không tuyển được một nhân viên về PR cho mình. Tuy nhiên nhiều người chủ công ty lại chưa tường tận khái niệm PR lắm nên mỗi công ty lại có những đầu công việc khác nhau, nhiều khi chẳng ăn nhập gì với nghề PR nhưng lại được thảy về cho nhân viên PR làm.  Khái niệm PR dường như  có dấu hiệu hơi bị lạm dụng.

Các sinh viên mới ra trường, mang theo mình một hành trang kiến thức và khái niệm, nào là PR là quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tài trợ, xử lý khủng hoảng… nhưng thực tế đi vào công ty, được giao những công việc không như tưởng tượng thì bắt đầu hoang mang như đứng giữa ngã ba đường. Cuối cùng, làm PR là làm gì?

Qua tiếp xúc với nhiều bạn làm PR, Bánh bèo xin thống kê ra đây những  khái niệm mà những người sính chữ thường hay lầm tưởng về công việc PR:

PR = marketing

Nhiều công ty tuyển nhân viên PR với một bản mô tả công việc không khác gì nhân viên marketing: xây dựng quảng bá thương hiệu, liên kết đối tác để tạo mạng lưới kinh doanh, sản xuất các vật phẩm quảng cáo. Sự sính chữ của nhiều người  làm cho khái niệm PR ngày càng đồng nhất với khái niệm marketing.

PR = chuyên gia đăng báo miễn phí

Nhiều doanh nghiệp quan niệm rằng, làm PR nghĩa là tạo mối quan hệ tốt với phóng viên để có những bài báo miễn phí. Một cô bé sinh viên chuyên ngành marketing mới ra trường, được nhận vào làm PR cho một công ty bánh kẹo, than thở rằng sếp cô muốn có những bài giới thiệu công ty hoành tráng trên những tờ báo lớn, nhưng không chịu chi một đồng nào. Ông cho rằng cô được nhận vào đây và trả lương thì bắt buộc phải có trách nhiệm gầy dựng những mối quan hệ tốt với phóng viên nhằm có được những bài viết miễn phí trên báo. “Nếu phải bỏ tiền mua bài PR, thì tôi có thể tự làm đâu cần thuê em nữa đúng không nào?”

Do ảnh hưởng của một số bài báo, nhiều người nghĩ rằng PR là một hình thức quảng bá ít tốn kém, thậm chí là miễn phí. Nhưng thực chất một chiến dịch PR làm cho bài bản còn ngốn ngân sách nhiều hơn quảng cáo outdoor hay digital marketing rất nhiều. Nếu bạn có mối quan hệ thân thiết với phóng viên, bạn có thể đi bài PR miễn phí được một lần, nhưng chắc chắn sẽ không có lần thứ hai vì chẳng ai chịu làm người giúp đỡ không công cho bạn mãi. Giữa việc có một bài PR miễn phí để báo cáo sếp, và việc đánh mất một mối quan hệ chí thân với phóng viên, bạn sẽ lựa chọn cách nào?

PR = quản trị web

Nhiều công ty tuyển nhân viên PR để làm mỗi công việc là quản trị, cập nhật nội dung cho website của họ. Nhân viên PR còn được ưu ái giao cho những việc chưa biết giao cho ai như check mail chung (dạng info@) của công ty, soạn thư ngỏ, thư  đòi nợ khách hàng và viết nội dung catalogue cho công ty. Dù sao nhân viên PR cũng được nhìn nhận là chuyên gia văn hay chữ tốt, nên họ suy luận rằng không người nào xứng đáng để giao việc này hơn.

PR = người đi lấy tin, chụp hình

Ở một kênh truyền hình mới ra đời chuyên về thông báo khuyến mãi sản phẩm, các nhân viên PR của họ chịu trách nhiệm chào bán chương trình truyền hình của mình cho khách hàng là các đối tác tài trợ. Sau khi hợp đồng tài trợ được ký, các nhân viên PR sẽ xuống công ty khách hàng quay phim, viết bài giới thiệu để quảng bá sản phẩm cho họ. Nhân viên PR ở đây không khác gì một nhân viên sản xuất truyền hình.

PR = bán hàng, giới thiệu sản phẩm

Trong một mẩu quảng cáo tuyển dụng nhân viên bán và tư vấn mỹ phẩm, một công ty trang trọng đặt tiêu đề “Tuyển nhân viên PR mỹ phẩm”. Phải chăng đã qua cái thời người ta dùng chữ “nhân viên marketing” thay cho chữ “nhân viên bán hàng”, mà thay vào đó dùng từ  “nhân viên PR” cho bí hiểm và sành điệu?

PR = nhân viên rao vặt

Một sinh viên khác hào hứng đăng tuyển vào một công ty giao dịch mua bán ô tô với chức danh “Nhân viên PR online”.  Sau đó cậu này mới biết công việc này thực chất là con lai giữa bán hàng và spam rao vặt quảng cáo. Hàng ngày công việc của cậu là gặp gỡ khách hàng, thu thập thông tin để đưa lên website, và viết bài bình luận đưa lên các forum ô tô, tự quảng cáo online, offline để bán hàng.

PR= người tiếp khách

Với cách hiểu PR là quan hệ công chúng, quan hệ khách hàng và đối tác, nhiều vị giám đốc tuyển cho mình một cô gái trẻ đẹp xinh tươi để làm công việc là đi cùng giám đốc gặp gỡ khách hàng. Gặp bất cứ ai, họ cũng tự hào giới thiệu “Đây là nhân viên PR, chuyên quan hệ khách hàng đối tác của công ty chúng tôi”. Và thế là nhân viên PR trở thành bình hoa di động, chuyên dùng để cười nói với khách hàng, xếp lịch hẹn cho giám đốc, mua quà tặng sinh nhật cho đối tác… không khác gì một thư ký.

Một số công ty khác, nhân viên PR là người trực điện thoại và tư vấn cho khách hàng về sản phẩm.

Kết luận

Khái niệm PR dường như đã đi quá xa so với những gì thuộc về bản chất nó. Sẽ đến lúc từ  PR trở nên thịnh hành đến nỗi già trẻ lớn bé ai cũng biết, nhưng mỗi người lại hiểu nó lệch lạc theo một hướng.Hãy trả lại khái niệm PR chân chính cho những người làm PR chân chính.

Các công ty trước khi gởi đi một mẩu tin tuyển dụng hãy cân nhắc xem nên gọi chức danh đó là nhân viên bán hàng, nhân viên quản trị web, nhân viên tư vấn… hay nhất thiết phải gọi là nhân viên PR cho hợp mốt.

Những bạn trẻ khi ứng tuyển vào vị trí PR cũng nên xem cho kỹ bản mô tả công việc trước khi nhận việc nếu không muốn vỡ mộng về một công việc PR không như mình đã tưởng.

Chuyên mục:Branding-PR Thẻ:,
  1. 18/06/2010 lúc 11:47 chiều

    Bài này hay. Thuận bổ sung thêm, mọi người nói chung thường nhầm lẫn giữa PR và quảng cáo nên hay nói câu đại loại như: Mầy không biết tự PR cho mình, nó lại PR bản thân rồi,… Chính xác, nếu tự nói tốt cho mình thì đó là quảng cáo, vì nó chẳng thông qua bên thứ 3 nào.
    Còn một chuyện vui khác nữa ở VinaGame. Khi một kế hoạch launching sp ko đạt hiệu quả như mong đợi, một số người đã nhận xét: “Do PR không dán poster đầy đủ ở các phòng máy”. Thế đó, mọi chuyện thành bại bây giờ thường đổ lên đầu PR.

  2. 20/07/2010 lúc 9:36 sáng

    Thời buổi này do lĩnh vực quảng cáo phát triển nên công ty nào cũng muốn cạnh tranh với nhau, nên phải tìm cách quảng bá sản phẩm của công ty mình. Nhân bài viết của bạn đề cập đến ngành PR, mình xin post lại lên đây cho ai quan tâm lĩnh vực này cùng nhau xem lại :

    PR (viết tắt của Public Relations – tạm gọi là Quan hệ công chúng) có thể hiểu là những nỗ lực một cách có kế hoạch, tổ chức của một cá nhân hoặc tập thể, nhằm thiết lập và duy trì, phát triển những mối quan hệ có lợi với đông đảo công chúng của nó.

    Cơ sở chủ yếu của hoạt động hoạt động PR là cung cấp thông tin cho công chúng, xây dựng thông tin hai chiều giữa công chúng và tổ chức, cá nhân tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng. Hoạt động PR gắn bó chặt chẽ với các phương tiện truyền thông đại chúng.

    Công việc chính của nhân viên PR

    – Lập kế hoạch, chương trình hoạt động cho tổ chức, cá nhân: đó có thể là một chiến dịch thông tin nội bộ trong tổ chức, một chiến dịch truyền thông, tài trợ, quảng bá hình ảnh v.v…

    Trên cơ sở phân tích những thách thức và cơ hội, xác định mục tiêu cụ thể, người làm PR đề xuất và lập kế hoạch hoạt động, sau đó đánh giá hiệu quả của kế hoạch ấy.

    Với một kế hoạch rõ ràng và chi tiết, công việc tiếp theo của chuyên viên PR là:

    – Soạn thảo và biên tập thông cáo báo chí, tài liệu báo chí, báo cáo dành cho cổ đông, báo cáo thường niên, bản tin nội bộ v.v…

    – Thiết kế và sản xuất những cuốn niên giám, các bản báo cáo, phim tài liệu, các chương trình truyền thông đa phương tiện v.v…

    – Quan hệ với giới truyền thông, cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời theo dõi và xử lý thông tin báo chí thông qua các hoạt động họp báo, phát thông cáo báo chí v.v…

    – Sắp xếp những cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, chuẩn bị các bài diễn thuyết, là người phát ngôn cho tổ chức của mình v.v…

    – Tổ chức các sự kiện như: các buổi hội nghị, triển lãm, những lễ kỉ niệm, cuộc thi, giải thưởng nhằm thu hút công chúng, tạo dựng hình ảnh về tổ chức.

    – Nghiên cứu, đánh giá về các kế hoạch, chương trình, hoạt động sau khi thực hiện để rút kinh nghiệm.

    Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

    Chuyên viên PR làm việc trong bộ phận PR, tuyên truyền, quảng cáo hoặc thông tin báo chí của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các Bộ, ban ngành v.v…

    Ngoài ra, họ cũng có thể làm việc cho các công ty truyền thông, PR, quảng cáo… Dù du nhập vào Việt Nam nhưng nghề nghiệp này đang phát triển rất mạnh nên cơ hội làm việc của chuyên viên PR rất phong phú.

    Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

    – Khả năng giao tiếp (gồm cả nói và viết)
    – Biết cách tạo sự tin cậy
    – óc quan sat và phán đoán tốt, tư duy phân tích cao
    – Khéo léo, nhanh nhẹn, nhạy bén trong mọi tình huống
    – Có năng lực tổ chức
    – Vốn ngoại ngữ và tin học tốt.
    – Biết chăm chút cho vẻ bên ngoài của mình
    – Có khả năng chịu được áp lực của công việc

    Một số địa chỉ đào tạo

    PR đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức từ các ngành khác nhau như quản trị kinh doanh, marketing, tâm lý học, xã hội học, báo chí… Bạn có thể đến với PR từ nhiều lĩnh vực học khác nhau mà không nhất thiết phải có ngay một tấm bằng về PR. Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp các ngành như báo chí, tâm lý học, xã hội học, quản trị kinh doanh, marketing, bạn sẽ có nhiều lợi thế khi là ứng viên cho vị trí PR.

    PR hiện được đào tạo tại: Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

    Ngoài ra một số đơn vị đào tạo và các công ty chuyên về quảng cáo cũng mở một số lớp PR ngắn hạn.

    Thông tin do Tủ sách hướng nghiệp – Nhất nghệ tinh
    (NXB Kim Đồng) cung cấp

  3. 29/07/2010 lúc 8:45 sáng

    Thanks mấy bạn, đúng là mình cũng thường hay bị lầm tưởng giữa hai ngành này, vào đây mới hiểu được phần nào.

  4. 28/04/2011 lúc 5:45 chiều

    hi’ hi’ minh da di lam voi tu cach la nv pr roi :)) noi chinh xac la cong viec pr la mot cong viec ma co lan vo lam moi thay no kinh dzi hon nhung gi chung ta hoc :))))

  5. Dorabean
    01/05/2012 lúc 3:50 chiều

    e theo học chuyên ngành PR, và thời gian thực tập của e tại một công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho e nếm đủ mùi ngang trái vì những nhà tuyển dụng sính chữ như chị đã nêu ^^ Cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết.

  6. 15/07/2017 lúc 2:02 chiều

    Quality posts is the secret to invite the visitors to pay
    a visit the web page, that’s what this web page is providing.

  1. 22/10/2014 lúc 9:14 sáng

Gửi phản hồi cho floraltirami Hủy trả lời